Tại sao cũng chỉ là một nước châu Á, với mức chi phí không rẻ, nhưng Singapore lại được các du học sinh quan tâm hơn các nền giáo dục phát triển phương Tây? Môi trường và chất lượng học ở Singapore như thế nào? Các bạn nghĩ gì về thành công kinh tế của Singapore? Việt Nam có thể học hỏi được gì từ đảo quốc này?
Tôi đã có dịp gặp và hỏi một số sinh viên Việt Nam đang học tại Singapore về những vấn đề này.
Bộ trưởng cố vấn Singapore, Lý Quang Diệu nhận định rằng về lâu về dài quan hệ của Singapore với Việt Nam sẽ có lợi cho Singapore nếu đảo quốc này luôn đi trước và Việt Nam có một điều gì đó muốn học hỏi từ Singapore.
Theo tờ nhật báo chính của Singapore, The Straits Times, số ra ngày thứ Bảy, 18 tháng Tư, ông Lý đã khẳng định như vậy trong cuộc nói chuyện với giới báo chí Singapore vào ngày cuối của chuyến công du năm ngày ở Việt Nam của ông.
Theo ông người Việt Nam tương đối cởi mở và họ sẽ tới Singapore để học hỏi chừng nào Việt Nam chưa có những gì mà Singapore đang có. Ông cho rằng việc càng ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đến học tại Singapore là một ví dụ.
Ông Lý cũng có ấn tượng tốt về sinh viên Việt Nam. Ông nói: “Trong số sinh viên của ASEAN được chính phủ Singapore cấp học bổng, sinh viên Việt Nam là người học giỏi nhất. Họ nghiêm túc trong học tập, không lãng phí thời gian, và họ sẽ quay trở về làm việc tại Việt Nam”.
Và theo ông trong 10 hay 20 năm nữa, “những sinh viên này sẽ lên nắm giữ những vị trí quan trọng và chúng ta sẽ có những người bạn tại Việt Nam. Họ sẽ nhớ lại những gì họ đã học hỏi được từ Singapore”. Đó cũng là lý do ông Lý nhận định rằng củng cố quan hệ và trao đổi với Việt Nam sẽ có lợi cho Singapore trong tương lai.
Tại sao Singapore?
Ông Lý Quang Diệu cổ vũ cho việc thu hút du học sinh Việt Nam
Bạn Đặng Vũ Quang Thái, sinh viên năm thứ ba khoa Hệ thống thông tin quản lý, và phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết bạn chọn Singapore vì “có nhiều quảng cáo du học tại Singapore. Trong lớp em có đến mười mấy người thi vào NUS. Vào thời điểm em thi tuyển, trường Lê Hồng Phong rạo rực đi Singapore”.
Lý do có nhiều thông tin về du học ở Singapore, trong khi thiếu các thông tin du học của các nước khác, cũng là một trong những nguyên nhân chính mà bạn Đặng Tấn Đức, sinh viên năm thứ tư khoa Quản lý Dự án cơ sở hạ tầng và là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học quốc gia Singapore (VNCNUS) cho biết bạn chọn Singapore.
Theo các bạn, hàng năm các trường tư và công của Singapore đều về tổ chức hội thảo về du học và thi tuyển sinh viên tại Việt Nam.
Tấn Đức cũng cho biết thêm “chất lượng đào tạo ở Singapore cũng tương đối cao. Do đó, học ở Singapore thì cũng có thể tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật”.
Bạn Trần Nguyễn Hoàng Lan, sinh viên năm thứ nhất khoa Quản trị Kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Ước mơ của em là du học tại Mỹ hay Anh. Nhưng em chọn NUS vì các anh chị, những người mà em đều ngưỡng mộ đều học ở NUS. Do đó trong đầu em NUS là trường có uy tín nhất”.
Gần nhà, dễ dàng đi lại giữa Việt Nam và Singapore cũng là một yếu tố quan trọng khác trong quyết định của các bạn chọn học tại Singapore.
Một yếu tố quan trọng nữa là chính phủ Singapore có sự hỗ trợ về tài chính.
Tấn Đức cho biết “học phí tại Singapore cũng tương đối cao, khoảng 29 ngàn đô la Singapre cho một năm học. Nhưng chính phủ hỗ trợ đến 80% cho sinh viên.”
“Nhờ sự hỗ trợ đó, số học phí còn lại phải đóng là khoảng 6 đến 7 ngàn đô Sing/1 năm. Ngoài ra, số tiền 6 ngàn đó, sinh viên cũng có thể mượn tiền của chính phủ Singapore. Do đó, đi du học tự túc tại Singapore nói là không có học bổng nhưng cuối cùng cũng giống như có học bổng”.
Nhưng để được nhận vào các trường đại học công của Singapore như NUS và được hỗ trợ 80% đó không phải ai cũng làm được.
Để nhận được hỗ trợ 80% học bổng ấy, sinh viên phải cam kết là sau khi ra trường họ phải làm việc tại Singapore hoặc ở nước ngoài cho một công ty Singapore hay một công ty đăng ký tại Singapore.
Môi trường và chất lượng
Bạn Hoàng Lan cho biết “khi mới sang em cũng cảm thấy thất vọng, thấy khó thích nghi vì trước lúc đi Singapore, em đã ở Mỹ năm tuần và em thấy em không gặp một khó khăn nào về ngôn ngữ, về giao tiếp ở bên đó. Từ nhỏ em đã học tiếng Anh giọng Mỹ nên khi sang đây các bạn nói em nói giọng Mỹ khó hiểu. Rồi các bạn nói chuyện em cũng không hiểu được. Khi đến lớp cũng không nghe được thầy cô giảng nhiều vì giọng Singapore cũng khó nghe”.
Hoàng Lan còn cho biết thêm, “cái em không thích ở đây là nó vẫn mang tính châu Á nhiều. Chẳng hạn khi chuẩn bị thì ai cũng ráo riết tập trung ôn bài để có điểm cao. Ai cũng thi đua và cạnh tranh với nhau về điểm. Hơn nữa, học và thi vẫn nặng về lý thuyết. Nhưng so với Việt Nam thì học ở Singapore vẫn khá hơn. Có thể nói nền giáo dục ở Singapore là cầu nối giữa giáo dục đại học Việt Nam và các trường đại của học châu Âu hay Mỹ.”
Đó cũng là lý do các bạn Tấn Đức và Hoàng Lan mong ước và dự tính sang Mỹ hay Anh học chương trình cao học sau này.
Một lợi thế mà sinh viên học ở các trường nổi tiếng của Singapore, chẳng hạn NUS là các trường này có chương trình hợp tác và trao đổi với các trường quốc tế. Tấn Đức cho biết bạn đã có học một học kỳ tại University of California của Mỹ.
Bài học Singapore
Ngoài kiến thức học ở trường, du học Singapore cũng giúp các bạn quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về Singapore, về những thành công kinh tế của đảo quốc này và Việt Nam có thể học được gì từ Singapore.
Bạn Hoàng Lan cho biết một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Singapore là có chính sách hợp lý.
“Ở Singapre không có tài nguyên thì người ta tập trung vào thương mại. Ở Singapore đất không nhiều nhưng đi đâu cũng có trung tâm thương mại. Việc họ đầu tư và thu hút chất xám cũng là một yếu tố quan trọng khác. Chẳng hạn họ hỗ trợ tụi em về tài chính nhưng đổi lại tụi em cũng phải làm việc cho họ ba năm sau khi ra trường”.
Ý kiến đó cũng được bạn Tấn Đức ủng hộ: “Singapore tập trung phát triển nguồn nhân lực. Đó là tài nguyên quý giá nhất. Ngay từ khi mới độc lập họ đã chú trọng đến giáo dục, đến việc phát triển con người. Đó là một sự đầu tư bền vững nhất”.
Bạn Việt Trung cho rằng “không nên so sánh Singapore với Việt Nam vì bản thân Singapore không có tài nguyên thì buộc họ phải nghĩ tới một hướng đi khác và các chính sách về phát triển con người hay đô thị của họ cũng đi theo một hướng đi khác”.
Nhưng theo Việt Trung, “Singapore khá may mắn khi họ có sự lãnh giỏi trong thời gian đầu. Ông Lý Quang Diệu được học rất bài bản. Singapore có tầm nhìn xa. Bên cạnh đó em thấy chính sách ngoại giao của Singapore cũng linh hoạt vì bản thân Singapore là một nước nhỏ nhưng biết mượn sức mạnh của các nước lớn để phát triển”.
Còn bạn Quang Thái thì cho rằng “khi biết không có tài nguyên, khi gặp khó khăn Singapore đã biết đoàn kết để phát triển. Đó là một yếu tố quan trọng nữa giúp Singapore thành công. Trong khi đó mình thì nói là có rừng vàng biển bạc nhưng không biết đoàn kết hay chưa có một động lực nào đó có thể đoàn kết dân tộc để phát triển. Có thể vì dân số mình quá đông nên khó đoàn kết”.